Các hợp chất chức năng trong nông sản, thực phẩm đang là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học cũng như các doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản chế biến các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm kiểm định nông sản thực phẩm và Hiệp hội phân tích & đo lường sinh học Nhật Bản tổ chức buổi seminar để giới thiệu về các hợp chất chức năng trong nông sản, các phương pháp đo lường và tiêu chuẩn hóa.

Ngày 11/9/2023, hai chuyên gia Nhật Bản là Tiến sĩ Hiroki Nakae - Chủ tịch Hiệp hội phân tích và đo lường sinh học Nhật Bản (JMAC) và Tiến sĩ Takefumi Sonoda - nghiên cứu viên Trung tâm kiểm định nông sản thực phẩm Nhật Bản (FAMIC) đã đến thăm và trình bày báo cáo tại khoa. Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Lại Thị Ngọc Hà – Phó trưởng khoa Công nghệ thực phẩm; PGS. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Bảo quản chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật; các Trưởng bộ môn; các thầy cô là thành viên nhóm NCM và các sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm đã tham gia đón tiếp và cùng chia sẻ về chủ đề này.

Tiến sĩ Hiroki Nakae đã trình bày báo cáo về chủ đề “Tiêu chuẩn hóa các hợp chất chức năng trong nông sản, thực phẩm”. Theo ông, nông sản thực phẩm ngoài tác dụng chính là cung cấp dinh dưỡng cho con người còn có chức năng điều hòa sinh học. Vì vậy, các chuyên gia Nhật Bản đã đề xuất khái niệm “Hợp chất chức năng” là những chất có khả năng điều hòa sinh học và các hoạt động sinh lý, góp phần bảo vệ, cải thiện sức khỏe con người. Tuy nhiên, khái niệm này đang cần được cộng đồng khoa học thế giới công nhận và đồng thuận. Do đó, cần có sự đóng góp của các nhà khoa học để cùng nhau xây dựng và tiêu chuẩn hóa các phương pháp đo lường chính xác các hợp chất chức năng. Hiện tại các nhà khoa học Nhật Bản có một số công bố về nội dung này, ví dụ: bài báo “Validation of a method for quantification of Lutein in Spinach using high-performance liquid chromatography: Interlaboratory study” của tác giả Sonoda & cs., (2020); bài “Determination of Lycopene concentration in fresh tomatoes by spectrophotometry: a collaborative study” của Kakubari & cs., (2020).

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã nghiên cứu và xây dựng được các phương pháp phân tích các hợp chất chức năng đạt tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản như tiêu chuẩn JAS 0002 về phân tích Methylated Catechin trong trà xanh “Benifuuki”; JAS 0003 phân tích β-cryptoxanthin trong quả quýt Satsuma; JAS 0008 phân tích Lutein trong rau bina; JAS 0009 phân tích Lycopene trong quả cà chua; JAS 0016 phân tích Ornithine trong nấm ăn; JAS 0024 phân tích Procyanidins trong nước ép táo... Tuy nhiên, tiến sĩ Nakae cũng nhấn mạnh rằng số lượng các chất chức năng trong nông sản, thực phẩm vô cùng nhiều mà hiện tại vẫn đang thiếu các phương pháp phân tích định lượng chính xác. Vì vậy, cần có chiến lược giải quyết vấn đề này và xây dựng các bộ tiêu chuẩn hóa. Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản hiện nay cũng đang rất quan tâm và thúc đẩy các bên liên quan thực hiện việc này. Chính vì vậy, các chuyên gia và cơ quan quản lý phía Nhật bản mong muốn nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam để cùng nhau đóng góp xây dựng các tiêu chuẩn ISO về các chất chức năng trong nông sản thực phẩm.

                                                            Nhóm NCM BQCB các sản phẩm có nguồn gốc thực vật