Choa Chăn nuôi làm việc về dự án “nuôi lợn bằng đệm lót sinh học” với đối tác nhật bản
Cập nhật lúc 17:03, Thứ ba, 29/11/2022 (GMT+7)
Ngày 28/11/2022, Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Tư Vấn Thương Mại Nhật Tâm, Công ty cổ phần SANA và Công ty cổ phần SATO – hai công ty trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc của Nhật Bản về dự án “Nuôi lợn bằng đệm lót sinh học” tại Việt Nam bằng nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản.
Ngày 28/11/2022, Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Tư Vấn Thương Mại Nhật Tâm, Công ty cổ phần SANA và Công ty cổ phần SATO – hai công ty trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc của Nhật Bản về dự án “Nuôi lợn bằng đệm lót sinh học” tại Việt Nam bằng nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản. Dự án còn được công ty Tư vấn phát triển và quản lý (KMC) làm đơn vị tư vấn tại Nhật Bản.
Tham dự buổi làm việc có Ban chủ nhiệm Khoa Chăn nuôi, ông Akiyama Akinori - Giám đốc công ty SANA, ông Takanashi Naoki - Trưởng phòng kinh doanh công ty KMC, và ông Đỗ Thư Mác - Giám đốc công ty Nhật Tâm.
Mở đầu buổi làm việc, hai phía đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức, lĩnh vực nghiên cứu của mỗi đơn vị và nội dung của dự án. Về phía Khoa, PGS.TS. Phạm Kim Đăng – trưởng Khoa đã giới thiệu một số tiến bộ kỹ thuật và kết quả nghiên cứu của Khoa Chăn nuôi về đệm lót sinh học: Năm 2013, Tiến bộ kỹ thuật “Chế phẩm sinh học BALASA N01 và Quy trình sử dụng chế phẩm BALASA N01 để làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi” và năm 2019, tiến bộ kỹ thuật “Chế phẩm vi sinh vật VNUA-BIOMIX và quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm VNUA-BIOMIX làm đệm lót chăn nuôi lợn” của cán bộ Khoa Chăn nuôi đã được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn công nhận. Và những tiến bộ kỹ thuật này đã được chuyển giao công nghệ cho người chăn nuôi.
PGS.TS. Phạm Kim Đăng cũng nêu hiện trạng chăn nuôi và tình hình sử dụng đệm lót sinh học ở Việt Nam những năm gần đây. Cụ thể, hiện nay có ba vấn đề lớn của chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, đó là mùi, chất thải rắn và chất thải lỏng. Đệm lót sinh học có thể giải quyết các vấn đề này nhưng có nhiều lý do khiến người chăn nuôi chưa muốn áp dụng: tại Việt Nam chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn phổ biến, trong khi nguyên liệu làm đệm lót khá đắt và người nông dân không có nhiều vốn để đầu tư, quỹ đất sử dụng cho chăn nuôi không nhiều nhưng sử dụng đệm lót thì mật độ nuôi phải giảm so với chăn nuôi không dùng đệm lót, khi sử dụng đệm lót người dân cũng phải đảo lớp lót thường xuyên.
Ông Akiyama Akinori cho rằng đệm lót khiến nhiệt độ chuồng nuôi tăng cao, và thời tiết mùa hè ở Nhật Bản cũng khá nóng, tương tự thời tiết của Việt Nam, vì vậy có một số kinh nghiệm của người chăn nuôi Nhật Bản mà Việt Nam có thể áp dụng: các nông trại sử dụng đệm lót ở Nhật Bản đều thiết kế chuồng phù hợp với thời tiết nắng nóng mùa hè, người chăn nuôi còn sử dụng quạt và phun sương để giảm nhiệt độ cho chuồng nuôi.
Hai phía đã trao đổi thêm một số vấn đề về nguyên liệu làm đệm lót và thiết kế chuồng nuôi đối với chuồng kín và chuồng hở. Kết thúc buổi làm việc, chuyên gia Nhật Bản mong muốn trong thời gian tới, thông qua dự án, sản phẩm của Nhật Bản sẽ được đưa sang Việt Nam giúp giải quyết được các vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi tại Việt Nam.
Một số hình ảnh của buổi làm việc: