Nghiên cứu mới đã tiết lộ rằng bữa ăn đa dạng với thịt bò mang đến tốc độ tổng hợp protein trong cơ bắp cao hơn bữa ăn thuần chay.
Theo nghiên cứu mới nhất từ Trung tâm Y tế Đại học Maastricht, mặc dù có cùng lượng calo và hàm lượng protein tổng, một bữa ăn đa dạng với thịt bò nạc mang lại tốc độ tổng hợp protein cơ bắp sau bữa ăn cao hơn so với bữa ăn chay toàn phần ở người lớn tuổi.
Nghiên cứu có tiêu đề “Tốc độ tổng hợp protein cơ bắp cao hơn sau khi ăn một bữa ăn tạp so với một bữa ăn thuần chay có cùng lượng năng lượng và và dinh dưỡng ở người lớn tuổi khỏe mạnh,” đã được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và là một trong những thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát đầu tiên để so sánh đặc tính đồng hóa của thực phẩm giàu protein khi được tiêu thụ như một phần của bữa ăn hỗn hợp.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy tốc độ tổng hợp protein cơ bắp cao hơn 47% sau khi tiêu thụ bữa ăn đa dạng với thịt bò nạc so với bữa ăn chay toàn phần cung cấp lượng protein tương đương từ thực vật.
“Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã đánh giá tác động của việc tiêu thụ các loại protein riêng biệt, nhưng nghiên cứu này nhằm mục đích phản ánh một bối cảnh thực tế hơn bằng cách tìm hiểu tác động của việc ăn các thực phẩm giàu protein như một phần của bữa ăn điển hình.” Luc van Loon, Tiến sĩ, giáo sư về Sinh lý học của Tập thể dục và Dinh dưỡng, Khoa Sinh học Con người, Trung tâm Y tế Đại học Maastricht+, và là nghiên cứu chính của đề tài này nói.
“Do tầm quan trọng của việc bảo vệ khối lượng cơ nạc để duy trì sức khỏe khi chúng ta già đi và mối quan tâm ngày càng tăng đối với lối sống ăn chay và thuần chay, nghiên cứu này rất quan trọng để hiểu liệu nguồn protein thực phẩm có thể có hiệu quả như nhau trong việc hỗ trợ duy trì và phát triển cơ bắp hay không.”
Sử dụng nghiên cứu trước đây so sánh việc ăn các nguồn protein khác nhau, các nhà nghiên cứu tính toán rằng cần có 16 người tham gia để hoàn thành nghiên cứu và phát hiện sự khác biệt về tốc độ tổng hợp protein cơ sau khi ăn hai loại bữa ăn.
Sau đó, các thử nghiệm lâm sàng đã phân tích 16 người lớn tuổi, khỏe mạnh (độ tuổi từ 65-85) ở Maastricht, Hà Lan. Vào một ngày thử nghiệm, những người tham gia đã ăn một bữa ăn toàn thực phẩm có chứa 3,5 ounce (tương đương 99,22g) thịt bò nạc xay làm nguồn protein chính, cùng với khoai tây, đậu que, nước sốt táo (làm từ 100% táo) và bơ thảo mộc. Vào một ngày khác, những người tham gia được yêu cầu ăn một bữa ăn thuần chay có hàm lượng calo và protein bằng nhau, bao gồm các loại thực phẩm chứa protein thực vật, chưa qua chế biến, được tiêu thụ phổ biến như quinoa, đậu nành, đậu gà và đậu tằm làm thành phần chính.
Cả hai bữa ăn đều chứa trung bình 36 gam protein, phù hợp với các khuyến nghị dựa trên bằng chứng về việc kích thích tổng hợp protein cơ bắp ở người lớn tuổi (tức là 0,45 g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể).
Van Loon tiếp tục: “Chúng tôi quan tâm đến việc nghiên cứu tác động của việc tiêu thụ bữa ăn lên quá trình tổng hợp protein cơ ở người lớn tuổi do tầm quan trọng của việc mất khối lượng và sức mạnh cơ bắp do tuổi tác, được gọi là chứng thiểu cơ, vốn là mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng ngày càng tăng trên toàn cầu”.
Hai ngày trước mỗi ngày nghiên cứu, tất cả những người tham gia đều ngừng chơi thể thao và các hoạt động thể chất vất vả cũng như uống rượu. Các nhà nghiên cứu đã so sánh thành phần axit amin huyết tương sau bữa ăn và tốc độ tổng hợp protein cơ, sử dụng máu và sinh thiết cơ được thu thập thường là sau sáu giờ sau khi ăn. Ngoài việc quan sát tốc độ tổng hợp protein cơ tăng 47% trong khoảng thời gian 6 giờ sau bữa ăn, các nhà nghiên cứu còn ghi nhận nồng độ EAA trong huyết tương cao hơn 127% sau bữa ăn có thịt bò nạc, mặc dù bữa ăn thuần chay không có bất kỳ sự thiếu hụt axit amin chọn lọc nào.
Philippe Pinckaers, ThS, tác giả chính của công bố này cho biết: “Điều quan trọng là, leucine trong huyết tương, một loại axit amin thiết yếu đặc biệt quan trọng cho quá trình tổng hợp protein cơ bắp, cao hơn 139% ở những người tham gia sau khi họ ăn bữa ăn đa dạng có chứa thịt bò”.
Pinckaers kết luận: “Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn trong một khoảng thời gian dài hơn, nhưng nghiên cứu này minh chứng cho tác động tiềm tàng của nền tảng thực phẩm và tầm quan trọng của sinh khả dụng của các axit amin cũng như sự khác biệt về chức năng sinh học giữa các bữa ăn có thịt bò và bữa ăn thuần chay”.
Nguồn: https://www.newfoodmagazine.com/news/196912/what-meals-have-the-highest-rate-of-protein-synthesis/