Thưa quý vị đại biểu và các em sinh viên,
Các bài học trong quá trình phát triển của đất nước từ ngày có Đảng cho thấy, sự đổi mới và các thành tựu mang tầm thời đại của Dân tộc ta hầu như đều được khởi nguồn từ nông dân, từ nông nghiệp, để từ đó đất nước vươn mình lên tầm vóc và vị thế mới. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc; kỷ nguyên mới được bắt đầu từ tầm nhìn mới, từ tư duy mới, từ nhận thức mới; điều đó được kiến tạo trước hết là từ nông nghiệp, vì nông nghiệp.
Muốn vậy, nông nghiệp cần và phải dựa trên 3 trụ cột với tâm và thế mới, đó là (i) thể chế và tổ chức, (ii) khoa học và công nghệ, và (iii) đào tạo nguồn nhân lực đủ sức gánh vác các nhiệm vụ mới; trong đó, các trường đại học phải thực sự trở thành trung tâm của đổi mới và sáng tạo và là biểu tượng, là niềm tự hào về tiềm lực khoa học và công nghệ Quốc gia.
Đảng ta đã nhiều lần khẳng định giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ là then chốt đối với sự phát triển và hưng thịnh của Đất nước. Nhân dịp này, tôi đề nghị các Bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, Trường đại học phải là một thực thể quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo Quốc gia, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số. Vì vậy, Học viện phải phấn đấu để không những là trung tâm đào tạo, nghiên cứu hàng đầu của đất nước mà còn phải là một cơ sở giáo dục đại học có uy tín cao trong khu vực và thế giới, một trung tâm của đổi mới sáng tạo, một địa chỉ tin cậy của khởi nghiệp Quốc gia. Học viện cần xây dựng một Đề án phát triển tổng thể với lộ trình phù hợp để trở thành một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, đa phân hiệu theo mô hình của các trường đại học nghiên cứu tiên tiến trên thế giới. Các bộ ngành, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ Học viện trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Đề án này. Trong khi chờ xây dựng và phê duyệt Đề án, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành liên quan cùng với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ưu tiên hỗ trợ Học viện xây dựng Công viên khoa học nông nghiệp và Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời với việc cho sáp nhập một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc và trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Học viện, tạo lập nên một hệ sinh thái đủ mạnh để Học viện có thể phục vụ tốt hơn, toàn diện hơn cho sự phát triển của ngành, của đất nước.
Hai là, những người tốt nghiệp đại học ngày nay không những cần phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt, có khả năng thích ứng nhanh, kịp thời với trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và chuyển đổi số; mà còn cần phải có kỹ năng tự học suốt đời, kỹ năng đổi mới sáng tạo, có khả năng tư duy phản biện và hợp tác, cùng với các kĩ năng mềm khác, đảm bảo các em có đủ năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng. Vì thế, các trường đại học, trong đó có Học viện, phải tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo phải bảo đảm tính tương thích, hội nhập, quốc tế hóa theo các chuẩn mực tiên tiến càng sớm càng tốt; tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Tôi tin rằng, sinh viên được đào tạo từ Học viện sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng để góp phần đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ba là, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phải tiếp tục thực hiện công cuộc tự chủ đại học thực chất hơn và ở tầm cao mới, theo các tiêu chí và thông lệ của giáo dục đại học ở các nước phát triển; bảo đảm hội nhập toàn diện hơn về giáo dục đại học, nhưng vẫn thấm đẫm văn hóa Việt, tâm hồn Việt, xuất phát từ thực tiễn đất nước và con người Việt Nam. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu và ban hành chính sách để các trường đại học thực hiện đầy đủ và đồng bộ quyền tự chủ đại học, để chúng ta sớm có một hệ thống giáo dục đại học có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Tự chủ đại học không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư mà là đầu tư theo các "kết quả đầu ra" mà cơ sở giáo dục cam kết với Nhà nước; đặc biệt là ưu tiên đặt hàng, giao nhiệm vụ với các ngành nghề khó xã hội hóa, ít hấp dẫn đối với người học, nhưng đất nước đang thực sự rất cần và là thế mạnh của chúng ta như nông-lâm-ngư nghiệp.
Bốn là, Nghiên cứu của Học viện phải hướng tới phục vụ mục tiêu “nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh". Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ phát triển một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giá trị gia tăng cao, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn mới thịnh vượng và văn minh. Các bộ ngành hỗ trợ và hướng dẫn Học viện sớm cho thí điểm và mở rộng mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (Spin-off), làm cầu nối giữa nghiên cứu trong trường đại học với doanh nghiệp, với thực tiễn, nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học.
Năm là, tôi rất vui mừng khi được chứng kiến một cơ ngơi khang trang, bề thế, sáng xanh sạch đẹp của Học viện trong ngày khánh thành dự án VNUA-SHAHEP từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng thế giới. Để phát huy cao hơn nữa nguồn lực trí tuệ, nguồn lực đất đai và cơ sở vật chất hiện đại này, tôi yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tạo điều kiện tốt nhất để Học viện tham gia tích cực vào các chương trình khoa học và công nghệ do Bộ chủ trì, trước mắt là chương trình xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát thải thấp và các chương trình khác trong thời gian tới; các phòng thí nghiệm với các thiết bị ngang tầm với các trường đại học tiên tiến trên thế giới của Học viện phải là lực lượng chủ lực trong hệ thống các phòng thí nghiệm tham chiếu, được chỉ định của Quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh của nông sản Việt; cũng như Bộ cần tiếp tục hỗ trợ, đầu tư để Học viện có thể thực hiện tốt hơn việc giáo dục toàn diện cho người học về đức-trí-thể-mỹ, để các em có đủ sức khỏe về tâm hồn và thể chất, về chuyên môn và khả năng thích ứng, về đạo đức và sự tự tin, về tầm nhìn và lòng tự hào để có thể vững bước trên con đường lập thân lập nghiệp trong một thế giới hội nhập và thay đổi nhanh chóng; và điều đó chính là chỉ dấu cho việc sinh viên thực sự là trung tâm trong suốt quá trình đào tạo của Nhà trường.
Tôi yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm đầu mối của các trường đại học liên quan tổ chức đào tạo về phòng, chống thiên tai để hình thành đội ngũ cán bộ phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp ở nước ta; đồng thời giao Học viện mở lại chương trình đào tạo cán bộ quản trị hợp tác xã theo hình thức đối tác công tư, một lĩnh vực rất quan trọng của đất nước và Học viện đã có kinh nghiệm nhiều năm trước đây trong việc đào tạo lĩnh vực này, một khâu rất quan trọng trong việc tổ chức nông dân và kết nối nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản của chúng ta.
Sáu là, Phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa trường đại học với địa phương, nhất là địa phương sở tại. Trường đại học đóng trên địa bàn nào cần có những hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó; đồng thời, chính quyền các cấp của địa phương cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường đại học trên địa bàn của mình phát triển. Với tinh thần đó tôi đề nghị thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm, thị trấn Trâu Quỳ cần hợp tác chặt chẽ với Học viện và quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, kết nối hạ tầng và vệ sinh môi trường, tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn giúp đỡ Học viện trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất đai hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, thực hiện tốt quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt.