Thời gian qua, khi xu hướng sống ngày càng hướng đến sự gần gũi thiên nhiên và phát triển bền vững, con người càng ý thức được tầm quan trọng của các loại dược liệu thiên nhiên, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và phòng, chữa bệnh. Nhân dân ta thường đặt tên cho những cây thuốc có lợi cho sức khỏe gọi là sâm. Cây thổ nhân sâm (còn gọi là thổ sâm cao ly, sâm mùng tơi, đông dương sâm…), có tên khoa học Talinum paniculatum (Jacq.) thuộc họ cây rau sam Portulacaceae, là một cây thân thảo có nhiều tác dụng làm thuốc, làm rau ăn hay trồng làm cảnh. Thổ nhân sâm có chứa các hợp chất dược tính như saponin, tanin, flavonoid, phytosterol, octacosanol… (Solichatun và cs., 2005), cùng các loại vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, tinh dầu, đường, tinh bột…có tác dụng bổ dưỡng toàn thân, suy nhược thần kinh, hao tổn cơ thể, tăng cường thể lực cho người già, người ốm dậy, kém ăn, mất ngủ, hay quên. Bên cạnh đó, thổ nhân sâm chứa nhiều chất chống oxy hóa nên có thể phòng ngừa một số bệnh như ung thư, tim mạch, thần kinh, chống căng thẳng, tăng sức đề kháng chống lại nhiễm trùng. Đông y coi Thổ nhân sâm là nhân sâm của người nghèo vì nó chứa nhiều công dụng giống nhân sâm mà giá thành rẻ và sẵn có trong tự nhiên (Nguyễn Thuý Dần, 2007; Hoàng Văn Sỹ, 2010). Theo y học hiện đại, chất octacosanol trong cây thổ nhân sâm có tác dụng chống siêu vi gây bệnh Herp, các viêm nhiễm ngoài da, hỗ trợ chữa bệnh Parkinson, bệnh tim và làm hạ Cholesterol máu (Nguyễn Thuý Dần, 2007).
Trên thế giới, nhiều nước dùng thổ nhân sâm làm thuốc (thuốc bổ, chữa gan thận, chữa đau cổ…) và đã có nhiều nghiên cứu về loại cây quý này. Liang và cs. (2011) cho thấy các dạng phân đạm bón khác nhau có ảnh hưởng rõ tới trọng lượng tươi và khô, hàm lượng đường và protein hoà tan của thổ nhân sâm. Ở Việt Nam, Ninh Thị Phíp và cs. (2021) cũng đã nghiên cứu về ảnh hưởng của một số loại phân bón bổ sung qua lá tới sinh trưởng, phát triển và năng suất của thổ nhân sâm. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, thổ nhân sâm vẫn còn ít được quan tâm nghiên cứu trên quy mô đồng ruộng, đặc biệt là về mối quan hệ giữa việc cung cấp dinh dưỡng qua phân bón và năng suất, chất lượng của thổ nhân sâm. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của các lượng và dạng phân đạm khác nhau tới sinh trưởng, năng suất và hàm lượng một số dược chất của thổ nhân sâm.
|
|
Hình 1. Cây thổ nhân sâm Talinum paniculatum (Jacq.) |
Thí nghiệm được bố trí trong nhà lưới ở khu thí nghiệm bộ môn Khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng, khoa Tài nguyên và môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ tháng 2-8/2022. Thí nghiệm 2 nhân tố gồm 9 công thức (3 mức đạm bón: 60, 75 và 90 kg N/ha; 3 tỷ lệ NH4+:NO3-: 0:100, 50:50 và 100:0). Thí nghiệm được bố trí theo kiểu ngẫu nhiên đầy đủ với mỗi công thức được nhắc lại 3 lần, mỗi ô có diện tích 4 m2, khoảng cách giữa các ô là 30-50 cm. Cây giống thổ nhân sâm được trồng với khoảng cách hàng cách hàng 20 cm, cây cách cây 20 cm. Nền phân bón cho 1 ha: 7 tấn phân chuồng + 60 kg P2O5 + 60 kg K2O. Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng và supe lân, 50% kali và 30% đạm, bón thúc mầm sau trồng 1 tuần 30% lượng đạm, bón thúc 2 lượng phân còn lại sau khi thu hoạch lần đầu 7 ngày. Kỹ thuật trồng chăm sóc theo quy trình trồng, chăm sóc thu hoạch và sơ chế cây thổ nhân sâm (Bộ môn Cây công nghiệp và Cây thuốc, 2015).
Các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển được theo dõi bằng cách lấy mẫu theo phương pháp 5 điểm trên 2 đường chéo, mỗi chỉ tiêu đo đếm 5 cây/ô: chiều cao cây (cm), số lá/cây, diện tích lá (dm2/cây), chỉ số diện tích lá LAI, chỉ số SPAD, số nhánh cấp 1, chiều dài rễ (cm) và khối lượng rễ (g/cây) (ở lứa thu hoạch 2). Tỷ lệ chất khô/cây (%) = khối lượng chất khô/khối lượng tươi của toàn bộ cây sau khi thu hoạch lứa 2. Khối lượng chất khô của cây (g/cây) được xác định bằng cách lấy mẫu sấy khô đến khối lượng không đổi. Các chỉ tiêu về năng suất và chất lượng gồm có: năng suất cá thể (g/cây), năng suất thực thu (tấn/ha), hàm lượng vitamin C, hàm lượng saponin, flavonoid và hàm lượng NO3-.
|
|
Hình 2. Củ cây thổ nhân sâm |
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc tăng hàm lượng phân đạm bón từ 60-75-90 kg N/ha làm tăng các chỉ tiêu chiều cao, số lá, số nhánh cấp 1, diện tích lá, LAI và chỉ số SPAD một cách có ý nghĩa. CT6, CT8 và CT9 mang lại các giá trị cao nhất về các chỉ tiêu trên.
Các công thức khác nhau không ảnh hưởng rõ rệt tới chiều dài rễ, tuy nhiên có sự sai khác về khối lượng rễ và hàm lượng chất khô của cây thổ nhân sâm một cách có ý nghĩa. CT6 và CT9 mang lại giá trị cao nhất về khối lượng rễ và hàm lượng chất khô của thổ nhân sâm.
Khi tăng lượng phân đạm từ 60 lên 75 kg N/ha, cả năng suất cá thể và năng suất thực thu của thổ nhân sâm tăng một cách có ý nghĩa, nhưng khi tiếp tục tăng lên 90 kg N/ha thì năng suất không tiếp tục tăng, thậm chí một số chỉ tiêu chất lượng còn bị giảm. Ở cả 2 lứa thu hoạch, phân đạm dạng amôn ở mức 75 kg N/ha làm tăng rõ rệt năng suất cá thể và năng suất thực thu của thổ nhân sâm, đồng thời đem lại hàm lượng saponin và flavonoid cao nhất, hàm lượng nitrat ở mức cho phép. Do đó, lượng và dạng phân đạm này có thể sử dụng cho canh tác thổ nhân sâm nhằm đem lại hiệu quả cao và chất lượng tốt.
Do đề tài còn bị hạn chế về mặt kinh phí và thời gian nên mới chỉ tiến hành được ở quy mô nhỏ. Để có những kết quả phong phú và chính xác hơn nữa, cần tiến hành các thí nghiệm ở quy mô lớn hơn và trên các loại đất khác nhau. Đồng thời, cần có những thí nghiệm sâu hơn để nghiên cứu cơ chế ảnh hưởng của các loại dinh dưỡng khác nhau tới năng suất cũng như chất lượng của cây thổ nhân sâm.
Nguyễn Thành Trung1*, Nguyễn Thu Hà1, Hà Văn Tú1, Nguyễn Phương Mai2
1Khoa Tài nguyên và môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
2Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
* Tác giả liên hệ: nttrungtnmt@vnua.edu.vn