Chóng mặt có biểu hiện đa dạng từ nhẹ tới nặng, có người cảm thấy mọi vật xung quanh xoay tròn, có người thấy mất thăng bằng, đứng không vững, hoặc đôi khi người bệnh chỉ cảm thấy chòng chành, nôn nao, khó chịụ… gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trong Y học cổ truyền, chóng mặt được nhắc tới trong phạm vi chứng huyễn vựng. Nguyên nhân gây bệnh phức tạp, lại thường hay xen lẫn, khiến cho chính thầy thuốc trên lâm sàng đôi khi cũng cảm thấy lúng túng.

Dưới đây, xin trình bày một vài cách sử dụng các vị thuốc, món ăn nhằm hỗ trợ, tăng cường hiệu quả điều trị cho người bị chóng mặt:

1. Chóng mặt do cảm mạo - Cháo cúc hoa

Thích hợp sử dụng cho người vốn khỏe mạnh, đột nhiên do cảm mạo mà cảm thấy chóng mặt, chòng chành khó chịu.

- Nguyên liệu: Cúc hoa 30g, lá kinh giới 1 nắm, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ.

- Cách thực hiện: Cho cúc hoa và gạo tẻ vào nấu cùng nhau đến khi chín, thêm đường cho vừa miệng. Thái lá kinh giới rồi cho vào bát, ăn lúc nóng.

 

leftcenterrightdel
Cúc hoa dùng nấu cháo thích hợp cho người chóng mặt do cảm mạo. 

 

2. Chóng mặt ở người tăng huyết áp

- Món ăn 'Thiên ma bảo kê thang': Thích hợp sử dụng cho người vốn có tiền sử tăng huyết áp, cảm giác nóng bức trong người, khi hoa mắt chóng mặt thì mặt đỏ hồng, tính tình dễ cáu gắt.

Nguyên liệu: Thiên ma 20g, gà 1 con.

Cách thực hiện: Nếu là cả củ thiên ma, trước tiên đem hấp hoặc ngâm cho mềm ra, thái lát. Gà vặt sạch lông, lấy hết tạng phủ bên trong, nhồi thiên ma đã thái lát vào rồi cho vào nồi hầm. Đun lửa to cho sôi rồi chuyển lửa nhỏ hầm tiếp đến khi thịt gà chín mềm là được. Khi ăn sử dụng cả con và nước hầm; có thể hầm thêm cùng kỉ tử, đại táo cho thơm ngọt.

leftcenterrightdel
Thiên ma được dùng trong Thiên ma bảo kê thang hỗ trợ chữa chóng mặt ở người nóng. 

 

- Trà thảo dược

Nguyên liệu: Lá dâu, cây dâu, lá và hoa lài, hoa cúc, hoa huệ, hoa dền lượng bằng nhau.

Cách thực hiện: Đem sắc các vị trên, sắc 3 bát nước còn 1 bát. Dùng uống trà hằng ngày. Nên để trong bình giữ nhiệt để uống khi còn ấm.

3. Chóng mặt ở người béo

Dùng món ăn bài thuốc 'Trần bì mễ nhân ẩm', thích hợp dùng cho người có thể trạng béo, da mặt trắng, hay có đờm, dễ đầy bụng chướng hơi, người nặng nề, mệt mỏi.

Nguyên liệu: Vỏ quả quýt chín bỏ xơ trắng phơi khô 10g, hạt bo bo 30g.

Cách thực hiện: Cho vào túi lọc, thêm nước và đường phù hợp dùng làm trà uống.

4. Chóng mặt ở người hư yếu suy nhược

- Dùng món cháo bổ tỳ, thích hợp dùng cho người mắc bệnh lâu năm, người hư yếu, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, làm việc không có sức, hoa mắt chóng mặt âm ỉ lâu năm; người chóng mặt kèm hay bị rối loạn tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu, hay đại tiện lỏng nát.

Nguyên liệu: Củ khoai mài, khiếm thực, hạt sen, phục linh mỗi vị 20g, nghiền thành bột. Long nhãn 20g, gạo tẻ 1 nắm.

Cách thực hiện: Cho tất cả vào nồi, nấu cháo thật loãng. Khi chín cho thêm đường phèn vừa miệng, ăn khi còn nóng, mỗi ngày dùng 1 lần.

 
 
leftcenterrightdel
Củ mài trong cháo bổ tỳ hỗ trợ điều trị chóng mặt cho người hư yếu suy nhược. 

 

- Óc heo tiềm

Nguyên liệu: Óc heo 50g, xuyên khung, bạch chỉ, hoài sơn, kỉ tử mỗi thứ 10g, một ít rượu trắng.

Cách thực hiện: Óc heo sơ chế, rửa sạch để tránh mùi hôi tanh. Cho xuyên khung, bạch chỉ, hoài sơn vào nồi cùng óc heo, thêm nước đủ dùng và một ít rượu trắng. Hầm trong vòng 40 – 60 phút cho chín óc heo, cho thêm kỉ tử vào đun tiếp 10 – 15 phút rồi bắc ra. Khi ăn, sử dụng phần óc heo và nước hầm.

Lưu ý: Óc heo chứa nhiều cholesterol, do đó không thích hợp với những người có rối loạn lipid máu, người béo…

Nguồn: Sức khỏe và đời sống