SKĐS - Nấm móng tay/chân rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân, trong đó có sơn móng. Xử trí tình trạng này khá phức tạp, đôi khi có thể mất móng hoàn toàn và móng mới mọc ra không được bóng đẹp như trước.

1. Vì sao sơn móng tay/chân lại gây ra nấm móng?

Về nguyên nhân nhiễm nấm móng do sơn móng, theo bà Trần Thúy Hà (một chuyên viên làm nail ở Hà Nội) cho biết: Trước khi sơn móng, thường trải qua công đoạn cắt tỉa móng, loại trừ da thừa xung quanh móng rồi tạo hình móng, mài móng để lớp sơn bám chắc hơn. Quá trình này, thông thường cũng không dễ gây viêm móng hoặc nấm móng nhiều. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị viêm móng, nấm móng gây mủ, thậm chí mà mất cả móng và móng mới mọc lên vẫn bị nấm.

Điều này là do quá trình lấy da thừa gây tổn thương, đặc biệt là các trường hợp thích cắt tỉa khóe móng sâu, gây chảy máu; sử dụng kìm cắt móng, nhặt da thừa chung. Ngoài ra, bước mài móng sẽ khiến móng mòn, mỏng… Nếu sơn móng thường xuyên, sẽ khiến móng ngày càng yếu, tác dụng bảo vệ giảm đi và móng dễ bị nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm nhiều hơn.

leftcenterrightdel
 Lạm dụng sơn móng sẽ khiến móng đổi màu, khô giòn dễ gãy và nguy cơ nhiễm nấm cao

Khi nhiễm nấm, móng tay/chân có những thay đổi bất thường như: Móng sần sùi, dày lên, có màu sắc trắng, có lớp vảy mịn hay lớp vảy bong tróc xung quanh móng, có các vạch sọc dọc hay sọc ngang trên bề mặt móng.

Khi móng bị nhiễm trùng sẽ giòn, dễ gãy, kèm theo các tổn thương dưới móng. Vùng da xung quanh móng sưng đỏ, lớp da xung quanh bị bong tróc. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nấm từ móng có thể lan rộng ra da vùng mu bàn chân, ngón tay, bàn tay…

Bệnh nấm móng thường do 2 loại nấm hay gặp là nấm Trichophyton/Dermatophytes và nấm Candida; lây do tiếp xúc trực tiếp từ mầm bệnh như dùng chung dép hay giày. Nghề nghiệp tiếp xúc với bệnh nhân bị nấm móng tay thường xuyên như kỹ thuật viên làm nail, người đi làm nail...  Loại nấm Trichophyton khá dễ lây nếu người mắc có hệ miễn dịch yếu. 

Móng tay và móng chân là những bộ phận quan trọng bảo vệ ngón tay và ngón chân. Khi móng bị nhiễm trùng, nhiễm nấm dẫn đến các thay đổi về hình dáng, màu sắc của móng và làm giảm khả năng bảo vệ của móng.

2. Cách xử trí nấm móng

Để không bị nấm móng, trước tiên cần loại trừ nguyên nhân nhiễm bệnh. Ví dụ như không sử dụng chung tất, giày... Với chị em thường xuyên sơn móng làm đẹp, cần sử dụng dụng cụ riêng, vệ sinh sạch sẽ. Không lạm dụng lấy khóe móng sâu, cắt da xung quanh móng nhiều. kéo dài khoảng cách sơn móng càng nhiều càng tốt và chăm sóc móng để không bị tổn thương.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm nấm, cần ngừng ngay việc cắt tỉa, sơn móng và đến chuyên khoa da liễu để khám bệnh. Điều trị nấm móng thành công hay không, bắt đầu bằng chẩn đoán đúng. Nhiều bệnh móng dễ nhầm lẫn với bệnh nấm khác như bệnh móng vảy nến hay móng do lupus hoặc dày sừng móng bẩm sinh.

leftcenterrightdel
Nếu nấm móng nặng, kéo dài sẽ rất khó điều trị và móng sẽ khó  lại hình dáng ban đầu 

Quá trình điều trị nấm móng thường mất nhiều thời gian, ít nhất là vài tháng, thậm chí là hàng năm. Do đó bệnh nhân cần kiên nhẫn dùng đúng và đủ thuốc bác sĩ đã kê đơn. Thực tế có khá nhiều bệnh nhân do sốt ruột nên bỏ thuốc bác sĩ đã kê, rồi tìm đến bác sĩ khác hoặc các biện pháp khác. Thậm chí đắp lá theo hướng dẫn dân gian, hoặc vô tình dùng thuốc có chứa corticoid thì tình trạng nấm móng càng trở nên nặng nề. 

Việc điều trị không kiên trì và thiếu bài bản có thể khiến bệnh nấm móng tiến triển nặng hơn, thậm chí nhiễm trùng rất khó chữa. Bệnh càng kéo dài thì hậu quả để lại tật ở móng càng cao. Nấm móng kéo dài dù có chữa khỏi thì hình dáng móng cũng khó phục hồi như ban đầu.

Các thuốc điều trị nấm có ở dạng bôi và uống. Ngoài ra bác sĩ có thể kê kèm theo thuốc chống ngứa và tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc dùng phù hợp.

Nguồn: Báo Sức khỏe & Đời sống.